Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Visa di dân vào Mỹ - Một số câu hỏi thường gặp (P6)

Sau đây là loạt bài viết về Visa di dân vào Mỹ - Một số câu hỏi thường gặp.

Mời quý vị xem tiếp Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5

50. Điều gì sẽ xảy ra nếu người bảo lãnh qua đời trước khi người được bảo lãnh chính nhập cảnh vào Mỹ?
Trả lời:
Nếu người bảo lãnh qua đời trước khi đương đơn chính nhập cảnh vào Mỹ thì đơn bảo lãnh sẽ bị thu hồi một cách tự động chiếu theo điều 8 CFR 205.1(a)(3). Điều này có nghĩa là nhân viên lãnh sự sẽ không thể cấp visa cho bất kỳ đương đơn nào có tên trong đơn bảo lãnh và sẽ phải gởi đơn bảo lãnh về cho Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS).

Nếu có những lý do nhân đạo có sức thuyết phục, nhân viên lãnh sự có thể đề nghị với USCIS cho phục hồi lại hồ sơ. Cách thứ hai là đương đơn liên hệ trực tiếp với văn phòng USCIS nơi đã chấp thuận đơn bảo lãnh để xin cho phục hồi lại hồ sơ vì lý do nhân đạo. Nếu USCIS phục hồi lại hồ sơ, nhân viên lãnh sự sẽ liên hệ với đương đơn sau đó.

51. Điều gì sẽ xảy ra nếu người bảo lãnh qua đời sau khi người được bảo lãnh chính đã nhập cảnh vào Mỹ?
Trả lời:
Việc những đương đơn đi kèm hội đủ tiêu chuẩn hay không để xin qua Mỹ với đương đơn chính đã trở thành thường trú nhân dựa trên qui chế thường trú nhân hợp pháp của đương đơn chính chứ không dựa trên tình trạng của người bảo lãnh. Do đó, nếu người bảo lãnh qua đời sau khi đương đơn chính đã trở thành thường trú nhân và có một hay những đương đơn phụ làm đơn xin qua Mỹ với đương đơn chính, thì những đương đơn phụ đó vẫn duy trì được tiêu chuẩn để qua Mỹ với đương đơn chính.

52. Chuyện gì sẽ xảy ra cho hồ sơ của những đương đơn phụ nếu đương đơn chính qua đời?
Trả lời:
Nếu người được bảo lãnh chính qua đời ở bất cứ thời điểm nào trước khi những đương đơn phụ di dân qua Mỹ thì nhân viên lãnh sự sẽ không thể nào cấp visa cho những đương đơn phụ. Việc xin phục hồi nhân đạo không áp dụng trong trường hợp này.

53. Sau khi được cấp visa, tôi có bao nhiêu thời gian để nhập cảnh vào Mỹ?
Trả lời:
Thông thường, thời gian hiệu lực của visa diện di dân hay diện hôn phu/hôn thê là 6 tháng. Bạn có 6 tháng để nhập cảnh vào Mỹ kể từ ngày được cấp visa (thời hạn của thị thực sẽ giống với thời hạn của kết quả khám sức khoẻ của đương đơn). Những đương đơn diện K-3 được cấp visa có hiệu lực trong vòng hai năm.

54. Nếu tôi không đi qua Mỹ được trong thời gian hiệu lực của visa, tôi sẽ phải làm gì?
Trả lời:
Bạn phải gửi trả lại visa không dùng đến cho Bộ phận di dân kèm theo một lá thư giải thích lý do tại sao bạn không đi được. Tùy theo lý do, Lãnh sự quán có thể cấp lại visa khác cho bạn sau khi bạn trả lệ phí cho visa mới.

55. Visa của tôi sắp hết hạn. Tôi phải làm gì?
Trả lời:
Nếu bạn không thể đi qua Mỹ trong thời gian hiệu lực của visa, bạn phải gửi trả lại visa không dùng đến cho Bộ phận di dân kèm theo một lá thư giải thích lý do tại sao bạn không đi được. Tùy theo lý do, Lãnh sự quán có thể cấp lại visa khác cho bạn sau khi bạn trả lệ phí cho visa mới.

56. Tôi có thể mang bao nhiêu tiền vào Mỹ?
Trả lời:
Không có giới hạn về số tiền mà bạn có thể mang vào Mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn mang vào Mỹ số tiền trên 10 000 $ US dưới dạng tiền mặt, chi phiếu của người du lịch (Travelers checks) hay những phương tiện có thể đổi thành tiền, bạn phải khai báo lúc nhập cảnh vào Mỹ hay lúc rời khỏi Mỹ.

Tuy nhiên cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

57. Tôi sẽ trả tiền thuế hải quan trên các đồ dùng trong gia đình khi tôi dọn qua Mỹ không?
Trả lời:
Những đồ dùng trong gia đình mà người di dân sở hữu trên một năm cũng như những đồ dùng cá nhân không chứa đồ bị cấm như súng và thuốc có thể nhập cảnh vào Mỹ không bị thuế. Thuốc lá và rượu chỉ có thể mang rất giới hạn số lượng vào Mỹ không bị đóng thuế. Muốn biết thêm chi tiết, bạn có thể vào trang Web của Hải quan Mỹ: http://www.cbp.gov/xp/cgov/travel/vacation/kbyg/paying_duty.xml

58. Nên vào Mỹ càng sớm càng tốt với visa di dân
Trả lời:
Tôi có đọc bài của nhiều luật sư người Mỹ khuyên những người được cấp vísa di dân nên vào Mỹ càng sớm càng tốt vì không ai biết luật sẽ thay đổi ra sao hay có những trường hợp đột xuất xảy ra mà không ai ngờ đến.

Thí dụ một người đã được cấp visa di dân, nếu người bảo lãnh chẳng may qua đời một cách bất ngờ, visa đó sẽ trở thành hết hiệu lực.

Ngay cả trong trường hợp một trẻ đủ tuổi để vào Mỹ do được hưởng luật bảo vệ con trẻ (CSPA). Nếu trẻ đó quyết định ở lại trong nước để học cho xong. Tuy nhiên, nếu chính sách về CSPA thay đổi thì có thể trẻ đó không còn được hưởng luật CSPA. Cha mẹ phải nộp đơn bảo lãnh lại từ đầu.

Theo nhiều luật sư, bạn nên vào Mỹ càng sớm càng tốt để có thẻ xanh. Sau đó, nếu bạn còn công chuyện phải giải quyết trong nước thì bạn có thể trờ về nước với thẻ xanh để giải quyết công chuyện đó.

Nếu bạn dự tính ở ngoài nước Mỹ một thời gian dài (như để hoàn tất việc học chẳng hạn), bạn có thể xin Re-entry Permit. Với Re-entry Permit, bạn có thể ở ngoài nước Mỹ khoảng hai năm.

Ít nhất, bạn có thẻ xanh và không phải lo ngại về luật thay đổi hay một sự cố nào đó khiến cho visa di dân của bạn không còn hiệu lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét