Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Các câu hỏi thường gặp về thị thực diện K

1. Gia hạn thêm thời gian giải quyết hồ sơ bảo lãnh?
Trả lời:
Hồ sơ bảo lãnh I-129F có thời hạn 4 tháng từ ngày được Sơ Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận. Viên chức Lãnh sự có thể gia hạn thêm thời gian giải quyết thị thực nếu hồ sơ bảo lãnh hết hạn.
2. Đối với thị thực diện K, nên dùng mẫu đơn I-864 hay mẫu I-134?
Trả lời:
Thị thực hôn phu (thê) là diện thị thực không di dân, do đó mẫu đơn cần dùng là I-134. Khi được chuyển tình trạng lưu trú sau khi kết hôn ở Hoa Kỳ, họ sẽ cần phải nộp mẫu I-864 cho Sở Di Trú Hoa Kỳ.
3. Yêu cầu về mức thu nhập có như nhau cho tất cả các hồ sơ xin thị thực di dân không, ngay cả khi áp dụng mẫu Bảo trợ Tài chánh I-134?
Trả lời:
Không. Yêu cầu mức thu nhập tối thiểu 125%, thuế năm gần nhất và những yêu cầu khác chỉ áp dụng cho trường hợp dùng mẫu I-864. Các đương đơn dùng mẫu I-134 sẽ cần chứng minh thu nhập của người bảo lãnh đạt 100% theo bảng Hướng dẫn về thu nhập hàng năm được yêu cầu theo điều khoản 212(a)(4) của luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.
4. Mức phí là bao nhiêu?
Trả lời:
Phí được thu cho các dịch vụ sau:

. Mở hồ sơ bảo lãnh, mẫu đơn I-129F

. Phí giải quyết thị thực (đọc qua máy): 240 đô-la Mỹ Phí kiểm tra sức khỏe

. Các phí khác có thể bao gồm phí cho dịch vụ dịch thuật, sao y, phí làm các giấy tờ được yêu cầu trong quá trình xin thị thực (như hộ chiếu, giấy Lý lịch Tư Pháp, giấy khai sinh, v.v.) và chi phí di chuyển đến đại sứ quán hay lãnh sự quán để tham dự phỏng vấn. Để xem các loại phí hiện thời đóng cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hay các dịch vụ thuộc chính phủ, vui lòng xem tại: http://travel.state.gov/visa/temp/types/types_1263.html.
5. Sau khi được cấp thị thực diện hôn phu (thê) thì đương đơn phải làm gì?
Trả lời:
Sau khi được cấp thị thực và vị hôn phu (thê) đã đến Hoa Kỳ, người bảo lãnh và người hôn phu (thê) đó phải kết hôn trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh Hoa Kỳ.

6. Nếu tên con đi theo của đương đơn không có trên hồ sơ bảo lãnh I-129F thì có trở ngại gì không?
Trả lời:
Tên con đi theo không có trên hồ sơ bảo lãnh I-129F không phải là một trong những lý do từ chối thị thực diện K. Miễn sao người con dưới 21 tuổi, độc thân có thể chứng minh được mối quan hệ thật sự của mình và đương đơn chính thì có thể được cấp thị thực K-2.
7. Làm thế nào để đủ điều kiện xin thị thực diện thị thực K-4 (con của đương đơn K-3)?
Trả lời:
Để đủ điền kiện được cấp thị thực diện K-4, đương đơn phải là con dưới 21 tuổi, độc thân của đương đơn K-3 đủ điều kiện. Công dân Hoa Kỳ mở hồ sơ bảo lãnh I-129F cho vợ/chồng không cần phải mở hồ sơ bảo lãnh I-129F riêng cho người con của đương đơn. Tên người con phải được liệt kê trên đơn bảo lãnh I-129F của đương đơn. Mặc dù đương đơn chính phải được người bảo lãnh mở một hồ sơ di dân I-130 trước khi được mở hồ sơ I-129F, người con không cần phải có một hồ sơ bảo lãnh diện di dân trước như vậy vì người con xin thị thực diện K-4, là con của đương đơn thị thực không di dân.
8. Thời gian giải quyết hồ sơ là bao lâu?
Trả lời:
Thời gian giải quyết hồ sơ phụ thuộc vào tình trạng của từng hồ sơ cụ thể. Thời gian giải quyết tại từng văn phòng Sở Di Trú và từng văn phòng Lãnh sự cũng khác nhau. Trong một số trường hợp, hồ sơ bị trì hoãn do đương đơn không theo đúng hướng dẫn hay chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Một số trường hợp khác thì hồ sơ phải cần đợi hoàn tất các thủ tục hành chánh. Việc này đòi hỏi phải cần thêm thời gian để viên chức hoàn tất hồ sơ sau khi phỏng vấn đương đơn. Do đó việc thông báo địa chỉ và số điện thoại hiện thời rất quan trọng.
9. Hồ sơ của tôi sẽ như thế nào sau khi bị từ chối và hồ sơ bảo lãnh đã bị trả về Sở Di Trú Hoa Kỳ?
Trả lời:
Sau khi hồ sơ đã bị trả về Sở Di Trú Hoa Kỳ, nếu có thắc mắc hay yêu cầu gì đối với hồ sơ, vui lòng liên hệ trực tiếp với Sở Di Trú Hoa Kỳ nơi mở hồ sơ bảo lãnh trước đây.
10. Tôi có thể tìm những thông tin về quyền hợp pháp dành cho những người định cư là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình tại Hoa Kỳ và những thông tin về định cư theo diện vợ chồng?
Trả lời:
Ðạo luật Môi giới Hôn nhân Quốc tế (International Marriage Broker Regulation Act --IMBRA) về việc bạo hành đối với phụ nữ và Đạo luật Tái Phê Chuẩn vào năm 2005 của Bộ Tư Pháp đã ban hành nhiều quyền bảo vệ cho những hôn phu (hôn thê) và những người phối ngẫu nước ngoài của công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ nộp đơn xin thị thực theo diện hôn phu (hôn thê) hay diện vợ chồng. Để biết thêm thông tin, vui lòng nhấn vào đây để truy cập vào trang Web của Sở Di Trú.
11. Trong trường hợp người bảo lãnh và đương đơn kết hôn sau khi mở hồ sơ bảo lãnh diện K1(I-129F) thì hô sơ sẽ như thế nào? Hồ sơ diện K1 (Hôn phu/ Hôn thê) có thể được chuyển đổi thành diện vợ chồng CR1 hay IR1 không?
Trả lời:
Nếu đương đơn và người bảo lãnh chính thức kết hôn sau khi mở hồ sơ bảo lãnh I-129F diện Hôn phu/Hôn thê (K1), thì đương đơn sẽ không còn hội đủ điều kiện theo diện thị thực K1. Hồ sơ bảo lãnh diện K1 không thể được chuyển đổi thành diện vợ chồng CR1/IR1. Hồ sơ bảo lãnh diện K1 sẽ được trả về Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS). Để tiếp tục tiến trình định cư, người bảo lãnh cần phải đến Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ để mở hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng cho đương đơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét