Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Các câu hỏi thường gặp về thị thực Di dân

1. Tôi cần phải làm gì nếu muốn hủy hồ sơ bảo lãnh?
Trả lời:
Để hủy hồ sơ bảo lãnh, người bảo lãnh phải nộp cho Lãnh sự thư bảng gốc có công chứng yêu cầu huỷ hồ sơ. Khi nhận được thư, Lãnh sự sẽ ngừng giải quyết và trả hồ sơ đó về Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS). Vui lòng xem phần Liên hệ chúng tôi tại bộ phận Thị thực Di dân để biết thêm thông tin.
2. Tôi nên làm gì nếu có thông tin tố cáo liên quan đến việc tham nhũng hay đề nghị hối lộ?
Trả lời:
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tiếp nhận thông tin tố cáo rất nghiêm túc. Nếu có thông tin liên quan đến việc tham nhũng hay đề nghị hối lộ, quí vị vui lòng gởi thư điện tử (hcmcinfo@state.gov) cho chúng tôi với càng nhiều thông tin càng tốt, cụ thể như:
Thời gian, địa điểm diễn ra việc đề nghị hối lộ; Tên của nhân viên Lãnh sự có liên quan; Tên của đương đơn xin thị thực có liên quan; và Bất cứ bằng chứng nào khác có thể giúp ích cho việc điều tra sự việc. Chúng tôi sẽ điều tra sự việc quí vị tố cáo. Xin cám ơn quí vị đã cung cấp thông tin.
3. Nếu đương đơn chính qua đời thì hồ sơ của các đương đơn đi theo sẽ như thế nào?
Trả lời:
Nếu đương đơn chính qua đời trước khi đương đơn đi theo (phụ thuộc) được định cư ở Hoa Kỳ, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho đương đơn đi theo. Rất tiếc, cứu xét nhân đạo không áp dụng cho trường hợp này. Vui lòng xem thêm thông tin về cứu xét nhân đạo tại 9 FAM 42.1 N4.
4. Lãnh sự có thể giúp đỡ gì nếu tôi hay người thân của tôi không thể xin được hộ chiếu?
Trả lời:
Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể giúp đỡ công dân Việt Nam trong việc xin hộ chiếu. Việc cấp hộ chiếu Việt Nam thuộc thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam. Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể can thiệp vào tiến trình này được.
5. Ngày ưu tiên của tôi chưa đến lượt giải quyết. Tôi có thể được phỏng vấn trước khi ngày ưu tiên hồ sơ đến lượt giải quyết không?
Trả lời:
Chúng tôi không thể giải quyết tiến trình xin thị thực cho các hồ sơ chưa đến lượt giải quyết. Không có điều luật nào cho phép giải quyết hồ sơ chưa đến lượt, cho dù vì lý do nhân đạo. Chúng tôi sẽ sẽ xếp lịch phỏng vấn khi hồ sơ đến lượt giải quyết. Quí vị có thể tham khảo thông tin về ngày ưu tiên trên trang web của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại http://travel.state.gov/content/visas/english/law-and-policy/bulletin.html

6. Hồ sơ của tôi có thể được giải quyết nhanh và xếp lịch phỏng vấn sớm không?
Trả lời:
Do số lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều và để đảm bảo công bằng cho tất cả các đương đơn, chúng tôi không thể xếp lịch phỏng vấn ngoài trật tự bình thường ngoại trừ khi hồ sơ có lý do khẩn cấp cần phải được sang Hoa Kỳ sớm. Nếu quí vị có lý do khẩn cấp, vui lòng gởi thư yêu cầu giải quyết nhanh hồ sơ kèm theo những bằng chứng để chứng minh lý do xin giải quyết khẩn. Trưởng phòng Thị thực Di dân sẽ xem xét đơn yêu cầu của quí vị.
7. Tôi có thể được thông báo ngày phỏng vấn qua thư điện tử không?
Trả lời:
Chúng tôi rất tiếc không thể gởi thông báo về phỏng vấn của đương đơn qua thư điện tử. Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, đương đơn được thông báo về phỏng vấn bằng thư gởi đường bưu điện. Đương đơn có nhiệm vụ thông báo với chúng tôi địa chỉ hiện tại chính xác.
8. Tôi không nhận được hồ sơ hướng dẫn nộp đơn xin thị thực/Hướng dẫn phỏng vấn mà Lãnh sự gởi. Làm thế nào để tôi nhận lại một bộ khác?
Trả lời:
Quí vị có thể vào: http://vietnamese.hochiminh.usconsulate.gov/iv/maudon/huongdan.html để xem bản điện tử của bộ Hồ sơ Hướng dẫn nộp đơn xin thị thực và bộ Hồ sơ hướng dẫn phỏng vấn. Bản sao cũng có giá trị như bản gốc. Tuy nhiên, trước ngày phỏng vấn khoảng 1 tuần lễ, đương đơn có thể nhận thư mời phỏng vấn tại Lãnh sự từ 1:00 đến 2:00 giờ chiều, các ngày làm việc trong tuần.
9. Tôi có cần phải dịch các giấy tờ cá nhân để chuẩn bị cho phỏng vấn xin thị thực?
Trả lời:
Tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Anh hay không bằng tiếng Việt cần phải được đính kèm bản dịch tiếng Anh có công chứng ghi rõ “Bản dịch chính xác” và do “văn phòng/người có chức năng dịch thuật” thực hiện. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số giấy tờ bằng tiếng Việt cũng có thể được yêu cầu dịch sang tiếng Anh.
10. Làm thế nào để xin lại giấy khai sinh? Trong trường hợp không thể xin lại được giấy khai sinh tôi phải làm gì?
Trả lời:
Những người sinh ra tại Việt Nam phải liên hệ với văn phòng Uỷ ban Nhân dân địa phương nơi người đó được sinh ra – nơi mẹ của đương sự đã sống theo địa chỉ trong Hộ khẩu. Ủy ban Nhân dân địa phương có thể cấp bản sao của giấy khai sinh cho đương sự dưa trên những dữ liệu của giấy khai sinh gốc. Hoặc, văn phòng Ủy ban Nhân dân địa phương có thể cấp “Trích lục” của thông tin về việc khai sinh trên dữ liệu của họ cho đương sự. Nếu quí vị không thể có được khai sinh vì lý do hồ sơ đã hủy hay cơ quan nhà nước không cấp lại, đương đơn phải nộp giấy tuyên thệ được phòng hộ tịch địa phương xác nhận và các bằng chứng khác về việc khai sinh của mình như sổ hộ khẩu cũ, học bạ, hay giấy rửa tội.
11. Làm thế nào để xin giấy Lý lịch Tư Pháp? Lãnh sự có thể giúp đỡ để xin giấy tờ này không?
Trả lời:
Nếu sống ở Tp. Hồ Chí Minh, quí vị có thể liên hệ Sở Tư Pháp tại 143 Pasteur, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam; Điện thoại: 848-3829 7052/ 848-3822 3276. Theo chúng tôi biết, bạn hay người thân có thể đại diện đương sự để xin cấp giấy Lý lịch Tư Pháp. Giấy này cũng có thể xin cấp tại Sở Tư Pháp địa phương nơi đương sự đăng ký trên Hộ khẩu. Rất tiếc, Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể giúp đỡ đương sự trong việc xin cấp giấy Lý lịch Tư Pháp.
12. Người mở hồ sơ bảo lãnh cho tôi hiện không làm việc? Người đó có cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh không?
Trả lời:
Cần. Người bảo lãnh cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh I-864 theo điều khoản 213A của luật Di trú và Nhập tịch. Nếu không có mẫu đơn bảo trợ tài chánh của người bảo lãnh, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho đương đơn. Qui định này áp dụng cho tất cả các trường hợp, ngay cả khi người bảo lãnh không làm việc hay làm việc nhưng không đủ thu nhập bảo lãnh tài chánh. Trong trường hợp đó, người bảo lãnh cần có thêm người cùng tài trợ hồ sơ. Người cùng tài trợ sẽ làm mẫu đơn I-864, hoặc nếu ở cùng nhà với người bảo lãnh thì sẽ làm mẫu Form I-864A. Các mẫu I-864 hay I-864A đều phải được đi kèm với bằng chứng về tình trạng cư ngụ hợp pháp tại Hoa Kỳ như bản sao khai sanh, hộ chiếu, giấy nhập tịch, thẻ thường trú nhân, giấy thuế hoàn chỉnh của năm gần nhất, bằng chứng về công việc hiện thời như giấy lãnh lương, giấy xác nhận việc làm có ghi mức lương. Nếu người bảo lãnh không làm việc, điều đó cần được thể hiện trên đơn I-864 của người bảo lãnh. Nếu chưa khai thuế vì bất kỳ lý do gì, người bảo lãnh cần phải giải thích bằng thư lý do vì sao.
13. Tôi bệnh Viêm gan Siêu vi B. Vậy tôi có được cấp thị thực di dân không?
Trả lời:
Viêm gan Siêu vi B không phải là bệnh làm cho đương đơn không đủ điều kiện được cấp thị thực dựa trên lý do sức khỏe. Tuy nhiên, tất cả các đương đơn xin thị thực được yêu cầu phải chứng minh được mình sẽ không trở thành gánh nặng xã hội Mỹ nếu như được cấp thị thực. Viên chức phỏng vấn sẽ xem xét hồ sơ sức khỏe tại buổi phỏng vấn. Nếu viên chức Lãnh sự cần thêm thông tin, đương đơn sẽ nhận được yêu cầu bằng thư ghi rõ những giấy tờ nào cần phải nộp.
14. Khi không thể nộp một loại giấy tờ nào đó mà Lãnh sự yêu cầu, tôi cần phải làm gì?
Trả lời:
Nếu quí vị không cung cấp được thông tin mà viên chức phỏng vấn yêu cầu, quí vị cần nộp thư giải thích nêu rõ lý do ngăn cản quí vị thực hiện yêu cầu đó. Viên chức sẽ xét duyệt hồ sơ sau khi quí vị nộp thư giải thích.
15. Đơn xin thị thực của tôi bị từ chối và hồ sơ bảo lãnh đã bị trả về Sở Di Trú Hoa Kỳ xem xét hoặc có thể huỷ bỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ bảo lãnh của chúng tôi là thật. Bây giờ tôi có thể làm gì?
Trả lời:
Ngay cả khi bị trả về Sở Di Trú, hồ sơ cũng không tự động bị hủy bỏ. Người bảo lãnh sẽ có cơ hội chứng minh với Sở Di Trú khi Sở Di Trú xem xét hồ sơ. Sở Di Trú có quyền tái chấp thuận hồ sơ bảo lãnh. Nếu muốn khiếu nại hồ sơ bị từ chối, người bảo lãnh có thể liên hệ Sở Di Trú nơi mở hồ sơ trước đây. Xin lưu ý, phải mất vài tháng để Sở Di Trú nhận được hồ sơ trả về từ Lãnh sự. Xin lưu ý rằng hồ sơ xin thị thực và các thông tin bổ sung đều được xét duyệt theo đúng luật pháp Hoa Kỳ ở văn phòng chúng tôi cũng như ở Sở Di Trú.
16. Chúng tôi là đương đơn của hồ sơ thị thực diện cha/mẹ của công dân Hoa Kỳ (IR-5). Con dưới tuổi thành niên của chúng tôi có thể đi theo chúng tôi được không?
Trả lời:
Không. không có luật định nào cho phép con nhỏ đi cùng với hồ sơ của cha/mẹ là đương đơn điện IR-5.
Ngoài ra, không có điều luật nào trong luật Di trú Hoa Kỳ cho phép giải quyết sớm các hồ sơ bảo lãnh cho con của các đương đơn diện IR-5. Chẳng hạn như hồ sơ bảo lãnh diện anh/chị/em công dân Hoa Kỳ (F-4) của người con dưới tuổi thành niên của đương đơn diện IR-5 không thể được giải quyết thị thực cho đến khi ngày ưu tiên (bảo lãnh) hồ sơ đến lượt giải quyết.
17. Tôi là người bảo lãnh. Tôi có thể đi cùng đương đơn đến Tổng Lãnh Sự Quán để phỏng vấn không?
Trả lời:
Nếu người bảo lãnh đang ở thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm phỏng vấn của đương đơn, người bảo lãnh có thể cùng đến buổi phỏng vấn với đương đơn. Tuy nhiên xin lưu ý rằng cuộc phỏng vấn là để đánh giá đương đơn có đủ điều kiện được cấp thị thực hay không. Do đó, người bảo lãnh có thể được yêu cầu đợi ở hàng ghế chờ. Viên chức phỏng vấn có thể nói chuyện với người bảo lãnh nếu xét thấy việc đó cần thiết cho việc đánh giá hồ sơ xin thị thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét